Blog Details

Tìm hiểu về VPN – nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu

Tóm tắt nội dung

Ngay cả thế giới số vẫn có những biên giới riêng của nó, và VPN là một trong số các công cụ giúp ta vượt qua nó. Nhưng làm thế nào VPN có thể làm được những rào cản đó?

VPN là viết tắt của Virtual Private Network (mạng riêng ảo). Đó là một thuật ngữ mà có thể bạn đã nghe nói đến, đặc biệt là khi có một số yếu tố riêng tư, như vị trí địa lý. Nhưng đó là gì tại sao VPN có thể làm những điều đó cho bạn, hãy cùng tìm hiểu xem.

Khi bạn kết nối với Internet từ nhà của mình, có thể bạn đang sử dụng dịch vụ từ một nhà cung cấp viễn thông tại địa phương của bạn. Bạn sẽ có một modem (hay router) và có lẽ cả Wifi. Máy tính của bạn sẽ kết nối với modem qua đường truyền Ethernet, còn laptop và smartphone sẽ kết nối qua Wifi. Mặc dù cách thiết lập có thể khác nhau, nhưng ý tưởng cơ bản là như nhau.

Thậm chí nếu bạn đang kết nối Internet bằng gói dữ liệu của nhà mạng di động, các khái niệm cũng tương tự như vậy. Phần của mạng lưới nằm trong nhà bạn, trước khi đi đến modem, là mạng nội bộ của bạn. Còn đằng sau modem đó chính là Internet.

Bất cứ việc gì có liên quan đến Internet, như mở một trang web, dữ liệu sẽ đi từ máy tính của bạn qua các thiết lập nội bộ để đi tới công ty điện thoại. Từ đó, nó sẽ hướng đến vùng đất hoang dã được gọi là Internet, và cuối cùng là đi đến máy chủ của trang web liên quan.

Máy chủ trang web sau đó gửi trả lại trang web (như dạng HTML, …) ngược lại qua Internet, đến nhà mạng viễn thông của bạn và cuối cùng là trở lại modem và đến máy tính của bạn. Khi bạn đang tải một trang web, quá tình này được lặp lại hàng chục lần khi các file ảnh được tải xuống.

Để tất cả các dữ liệu này di chuyển quanh Internet, mỗi block dữ liệu (còn được gọi là một gói) cần có một số thông tin về địa chỉ: như nó đang đi đến đâu và nó đến từ đâu. Có hàng loạt lớp khác nhau của các địa chỉ này, phụ thuộc vào việc gói dữ liệu đang ở đâu trong cả hành trình, tuy nhiên, mức độ cao nhất của nó còn được gọi là địa chỉ IP.

Địa chỉ IP – vị trí của bạn trong thế giới kỹ thuật số

Bạn có thể đã nhìn thấy chúng. Các địa chỉ IP được tạo ra từ bốn số nhỏ hơn 256 với một dấu chấm ở giữa chúng, ví dụ như 10.2.18.67 hay 34.16.23.198. Địa chỉ IP được sử dụng để dẫn đường cho dữ liệu quay trở lại và tiến ra từ máy tính của bạn tới máy chủ trang web. Có 2 điều bạn cần biết về địa chỉ IP:

1. Chúng có thể nhìn thấy bởi tất cả các thiết bị tương tác với lưu lượng mạng của bạn.

2. Được ấn định cho các block.

Tìm hiểu về VPN - nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu 1

Điều đó có nghĩa là modem, công ty điện thoại của bạn, router tham gia gửi dữ liệu qua Internet và máy chủ trang web đều cần biết địa chỉ IP của bạn. Nhưng bởi vì các địa chỉ IP được ấn định cho các block dữ liệu, cũng có nghĩa là thông tin về công ty điện thoại của bạn và những block nào nó sở hữu sẽ nằm trong một cơ sở dữ liệu lớn ở đâu đó.

Vẫn còn một số vấn đề khác, nhưng tóm lại bất cứ khi nào bạn kết nối với máy chủ trang web, máy chủ đó sẽ biết địa chỉ IP của bạn cũng như cả vị trí của bạn nữa. Máy chủ trang web sẽ có thể ghi lại địa chỉ IP của bạn để phân tích băng thông như bình thường, hoặc cũng có thể chỉ ghi lại tạm thời và sau đó xóa đi hoặc lưu trữ lại sau một tháng.

Tuy nhiên, dù sao địa chỉ IP của bạn cũng bị ghi lại.

Đây không phải vấn đề đáng sợ cho lắm trong nhiều trường hợp. Trên thực tế việc ai đó kết nối với Facebook sẽ không phải vấn đề với người khác. Nhưng nếu bạn muốn đọc một trang web về điều gì đó nhạy cảm hơn, về một căn bệnh hay một vấn đề tình cảm, hoặc về một chủ đề nào đó cấm kị trong quốc gia hay văn hóa nơi ta đang sống thì sao? Đó là lúc sự riêng tư trở nên quan trọng hơn.

Vậy nếu tôi ngồi tại một quán café gần nhà và kết nối với Wifi miễn phí của cửa hàng thì sao. Tuy nhiên, phần nhiều những điểm phát Wifi miễn phí này hoàn toàn không có bất kỳ lớp bảo mật nào. Bạn không có gì đảm bảo rằng thiết bị cung cấp bởi quán café sẽ không nhòm ngó đến những gì bạn đang làm.

Tìm hiểu về VPN - nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu 2

Nhưng tồi tệ hơn, một người khác cùng kết nối vào Wifi đó sẽ có thể dễ dàng bắt được các gói dữ liệu đang được gửi đi qua kết nối mở và không bảo mật này. Dò được mật khẩu và xem được danh sách các website hay dịch vụ bạn đang sử dụng qua Wifi đó là rất đơn giản. Ngoài ra, hiện cũng đã có những điểm truy cập Wifi giả mạo, được thiết lập chỉ để ăn cắp thông tin của bạn.

Vì vậy, bạn không bao giờ được làm những điều như truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến hay PayPal bằng Wifi công cộng … Không bao giờ.

Nhưng vẫn còn một vấn đề khác. Một vài nội dung bị khóa ở một số quốc gia nhất định, hoặc vì lý do chính trị hoặc vì lý do kinh doanh. Một ví dụ dễ thấy là các dịch vụ trực tuyến như BBC iPlayer không phát ở các vùng bên ngoài nước Anh. Hay dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix, YouTube và Amazon Video đều có giới hạn về nội dung đối với từng quốc gia khác nhau.

Tìm hiểu về VPN - nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu 3

Vì vậy, về cơ bản, các địa chỉ IP được sử dụng như một điểm chỉ vị trí dữ liệu của bạn trên Internet, thông thường các địa chỉ này được gán cho modem của bạn thông qua nhà cung cấp dịch vụ mạng. Trong khi đó, những gì VPN làm là nó cho phép dữ liệu của bạn đi qua một kết nối mã hóa từ nhà hay smartphone của bạn, đến một điểm khác trên Internet, có thể ở một quốc gia khác, và sau đó mới truy cập Internet công cộng. Việc này giống như một con thỏ chui xuống một cái hố để dẫn đến một lối ra ở chỗ khác vậy.

Kết quả của kết nối mã hóa này sẽ cho dữ liệu của bạn một địa chỉ IP mới được gán cho đầu kia của đường hầm, thay vì nhà bạn. Điều đó có nghĩa là khi bạn kết nối tới một máy chủ mạng, địa chỉ IP mà máy chủ thấy sẽ là điểm cuối của VPN, không phải địa chỉ IP của nhà bạn. Vì vậy, nếu bạn truy cập vào một trang nhay cảm, địa chỉ IP và vị trí của bạn sẽ không bị tiết lộ. Hoặc khi đi du lịch, bạn cũng có thể kết nối vào đến một điểm cuối của VPN tại quê nhà của bạn và truy cập vào dịch vụ như khi bạn đang ở nhà.

Tìm hiểu về VPN - nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu 4

Điều này còn mang lại một lợi ích bất ngờ khác. Một số dịch vụ trực tuyến tính phí khác nhau phụ thuộc vào vị trí của bạn. Bạn có thể mua đồ rẻ hơn bằng cách kết nối qua một VPN để thuyết phục nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến rằng mình đang ở Mỹ chứ không phải châu Âu. Không chỉ mua đồ, điều này cũng đúng khi bạn cần mua vé máy bay.

Vậy nó hoạt động như thế nào

Điều đầu tiên bạn cần để sử dụng VPN là phải tìm một nhà cung cấp VPN. Một khi bạn đăng ký, bạn sẽ được quyền truy cập vào các thông tin đăng nhập bao gồm thông tin cá nhân của bạn (username, mật khẩu) và một danh sách các máy chủ. Các máy chủ sẽ được đặt rải rác trên thế giưới và bạn cần chọn máy chủ nào sẽ sử dụng, tùy theo nhu cầu của mình.

Tìm hiểu về VPN - nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu 5

Tùy vào nhà cung cấp dịch vụ, bạn sẽ phải tự thiết lập VPN thủ công hoặc sử dụng một chương trình hay ứng dụng nào đó trên smartphone. Các chương trình và ứng dụng này sẽ giúp bạn tự động hóa toàn bộ quá trình, nhưng bạn cũng có thể thiết lập nó theo cách thủ công. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ của bạn sẽ có hướng dẫn từng bước một, nhưng về cơ bản trên Android, bạn chỉ cần ấn vào phần “More” phía dưới Wireless & Networks trong phần Settings, ấn vào VPN và sau đó là thêm VPN mới. VPN không giới hạn chỉ trong Android, bạn còn có thể sử dụng nó qua Windows, OS X, Linux và Chrome OS.

Khi bạn đã cấu hình được một VPN, bạn có thể kết nối với nó trên cùng trang VPN trong phần Settings. Và giờ chiếc smartphone của bạn sẽ có một kết nối mã hóa tới máy chủ VPN ở bất cứ quốc gia nào bạn chọn. Tất cả băng thông Internet (bao gồm cả các tên miền DNS) sẽ đi qua kênh mã hóa này trước kết nối với Internet công cộng. Khi thoát ra khỏi kênh đó và đi đến các địa chỉ khác, nó sẽ cung cấp địa chỉ IP của máy chủ VPN thay vì địa chỉ IP của bạn. Khi dữ liệu quay trở lại, đầu tiên nó sẽ hướng thẳng tới các máy chủ VPN, sau đó máy chủ VPN sẽ gửi dữ liệu trở lại cho bạn thông qua kênh mã hóa đó.

Tìm hiểu về VPN - nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu 6

Nếu bạn vẫn băn khoăn thì đúng, dữ liệu vẫn sẽ cần đi qua Wifi tới router hay modem của bạn, và sau đó tới công ty cung cấp dịch vụ mạng. Nhưng giờ tất cả dữ liệu đã được mã hóa và nó sẽ không được giải mã cho đến khi đến máy chủ VPN. Cách này sẽ làm nhà cung cấp mạng của bạn không thể thấy nội dung truy cập của bạn, ngay cả các cơ quan chính phủ hay các tổ chức nhà nước.

Tương tự như vậy, nếu bạn truy cập qua một điểm phát Wifi công cộng miễn phí, nhưng thông qua VPN, tất cả dữ liệu của bạn giờ sẽ được mã hóa. Bất kỳ ai cố đánh cắp thông tin mật khẩu và địa chỉ web mà bạn truy cập sẽ chỉ nắm được những dữ liệu đã mã hóa mà thôi.

Nhược điểm của VPN

VPN là một giải pháp tuyệt vời cho những vấn đề riêng tư đã nói ở trên, tuy nhiên nó không phải là một giải pháp hoàn hảo, vẫn còn một vài điểm trừ cho giải pháp này. Trên tất cả là tốc độ. Khi bạn gửi dữ liệu của mình đến một nơi cách đó nửa vòng trái đất trước khi nó hướng thẳng đến đúng máy chủ cần thiết, thì tốc độ kết nối của VPN sẽ chậm hơn kết nối bình thường, không VPN của bạn. Ngoài ra, nhà cung cấp VPN của bạn sẽ chỉ có một lượng tài nguyên nhất định.

Nếu máy chủ VPN bị quá tải do có quá nhiều máy khách và không đủ số lượng máy chủ, tốc độ kết nối sẽ bị đứt đoạn. Điều tương tự cũng xảy ra với băng thông máy chủ.

Tìm hiểu về VPN - nghe nhiều nhưng giờ mới hiểu 7

Thứ hai, các kết nối VPN có thể bất ngờ gián đoạn (vì rất nhiều lý do không lường trước) và nếu bạn không nhận ra VPN của mình không còn hoạt động nữa, bạn sẽ tiếp tục sử dụng Internet với suy nghĩ rằng sự riêng tư của bạn vẫn an toàn, nhưng thực sự thì không phải vậy.

Thứ ba, việc sử dụng VPN là vi phạm pháp luật ở một số quốc gia, bởi vì chúng giúp giấu kín danh tính, bảo mật sự riêng tư và mã hóa.

Cuối cùng, một số dịch vụ trực tuyến có hệ thống phát hiện việc sử dụng VPN và nếu họ cho rằng ai đó đang kết nối thông qua một VPN, họ có thể chặn truy cập đó. Ví dụ, Netflix đã tạo ra nhiều sự phản đối khi chặn người dùng sử dụng VPN.

Tổng kết

Bất cứ khi nào bạn sử dụng Internet, địa chỉ IP của bạn đều bị tiết lộ và có thể bị ghi lại. Địa chỉ IP có thể tiết lộ thông tin về vị trí của bạn. Vì vậy, khi bạn truy cập một số nội dung nhạy cảm trên Internet, nhà cung cấp dịch vụ mạng có thể lần ra bạn dựa vào địa chỉ IP.

Ngoài ra khi sử dụng các điểm truy cập Wifi công cộng, toàn bộ dữ liệu của bạn sẽ được gửi không mã hóa đến router, nghĩa là bất kỳ ai trong khu vực có thể bắt được dữ liệu của bạn và ăn trộm những thứ như mật khẩu và website bạn truy cập khi kết nối. Thêm vào đó, có những dịch vụ sẽ bị chặn nội dung tùy theo vị trí hiện tại của bạn.

VPN cung cấp một cách để mã hóa phần đầu trong kết nối Internet của bạn, cùng lúc đó nó cũng giúp che giấu cả địa chỉ IP và vị trí của bạn. Kết quả là giúp tăng cường sự riêng tư và bảo mật, cộng thêm khả năng mở khóa các nội dụng hạn chế theo vị trí địa lý. Mặc dù không phải lúc nào cũng nên dùng VPN đâu, nhưng đôi khi nó rất cần thiết đấy.

Tham khảo AndroidAuthority

Thông Tin Viettel IDC

Thông Tin Và Hoạt Động Của Chúng Tôi

Viettel IDC là đơn vị cung cấp dịch vụ TTDL uy tín tại Việt Nam. Với tiêu chí là đặt quyền lợi và trải nghiệm của khách hàng lên hàng đầu để  đem đến dịch vụ tốt nhất.

Trụ sở chính

110/20/41 đường số 30, phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM

Ngày làm việc

Thứ 2 - Thứ 6, Hàng tuần

Giờ làm việc

8:30 AM - 17:30 PM

Email

Support@cloudviet.com.vn

Hotline

0972 710 812