Với dự phát triển công nghệ điện toán đám mây hay gọi cloud computer, áp dụng giải pháp ảo hóa vào doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tài nguyên máy chủ và một phần chi phí đầu tư.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, tốc độ trung bình triển khai các giải pháp ảo hóa của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới trong năm 2010 là từ 20-40% nhưng sẽ tăng lên 60-80% vào năm 2015, bắt đầu từ những dự án kiểm thử ảo hóa đến ảo hóa các máy chủ web, in ấn hay file dữ liệu, rồi đến ảo hóa các ứng dụng kinh doanh, ảo hóa nền tảng cung cấp các dịch vụ CNTT trước khi đến ảo hóa trong môi trường điện toán đám mây.
Tuy nhiên, thực tế ảo hóa cũng không phải là một “giấc mơ đẹp” với các doanh nghiệp. Có gần một nửa số dữ liệu trên các hệ thống ảo hóa không được sao lưu (back up) thường xuyên, chỉ khoảng 20% các môi trường ảo hóa là có triển khai các công nghệ chống trùng lặp dữ liệu, hay có đến 60% các hệ thống ảo hóa hiện không có các kế hoạch khôi phục khi thảm họa xảy ra…, đó là những con số phản ánh những khó khăn mà các dự án ảo hóa CNTT đang phải đối mặt – theo bản Khảo sát Khôi phục sau thảm họa của Symantec năm 2010.
Bên cạnh đó là không ít những trở ngại đặt ra đối với các dự án ảo hóa, như ảo hóa có thể giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho máy chủ nhưng lại tiêu tốn chi phí cũng như làm tăng độ phức tạp đối với doanh nghiệp cho các giải pháp lưu trữ (mà Gartner ước tính chi phí phải tiêu tốn cho lưu trữ tăng từ 2-8 lần), rồi ảo hóa cũng có nghĩa là cần phải bảo an cho nhiều dữ liệu hơn, bảo vệ an toàn cho cả môi trường vật lý cũng như môi trường ảo hóa. Một điều rất đáng chú ý nữa, theo các chuyên gia của hãng Symantec, là tốc độ bảo mật cũng như lưu trữ dữ liệu hiện không nhanh bằng tốc độ ảo hóa, điều đó vô hình chung sẽ tạo ra thêm nhiều lỗ hổng bảo mật và tăng nguy cơ mất an toàn thông tin với các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại cuộc hội thảo về chủ đề ảo hóa vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Raymond Goh, Giám đốc Công nghệ khu vực Nam Á của Symantec nhận định ảo hóa có thể được triển khai ở mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phụ thuộc vào quy mô hay lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, những doanh nghiệp, tổ chức định hướng cung cấp các dịch vụ CNTT cho thị trường và hướng tới môi trường điện toán đám mây sẽ là những đối tượng thích hợp nhất để triển khai các dự án ảo hóa.
Cũng theo ông Raymond Goh, các doanh nghiệp trước khi triển khai các dự án ảo hóa cần phải cân nhắc và giải được bài toán cân đối giữa lợi ích thu được như khả năng quản lý tốt hơn, độ linh hoạt CNTT tăng lên, giảm chi phí đầu tư, chí phí vận hành… với những chi phí đầu tư cho ảo hóa.
“Chưa đến lúc ảo hóa thì doanh nghiệp nên dừng lại, bởi nếu triển khai không thích hợp thì ảo hóa sẽ làm gia tăng chi phí, làm gia tăng độ phức tạp và gây ra nhiều lỗ hổng an ninh”, ông Raymond nói.
Theo nhận xét của các chuyên gia Symantec, ứng dụng ảo hóa của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cũng mới chỉ ở những bước đầu tiên với những ứng dụng đơn giản, triển khai song song cả cơ sở hạ tầng vật lý và cơ sở hạ tầng ảo hóa, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông.
“Hiện rất ít các doanh nghiệp Việt Nam triển khai những ứng dụng quan trọng của họ trên môi trường ảo hóa. Thực ra điều đó là tốt bởi tốc độ ảo hóa không nên quá nhanh bởi thứ nhất công nghệ ảo hóa chưa được ứng dụng rộng rãi, thứ hai là bản thân các nhân viên CNTT trong doanh nghiệp từ trước đến nay vẫn quen quản lý môi trường phần cứng vật lý rồi, nếu đột ngột chuyển sang môi trường ảo hóa ngay thì sẽ rất khó khăn, rồi vấn đề quản lý độ sẵn sàng của ứng dụng, vấn đề an ninh trong môi trường ảo hóa cũng rất quan trọng và cần chuẩn bị kỹ”, ông Raymond Goh tư vấn.
Các chuyên gia cũng chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam rằng triển khai ảo hóa phải mang tính chất chiến lược và trên quy mô rộng khắp trên toàn bộ môi trường CNTT của tổ chức, doanh nghiệp, khi đó mới có khả năng phân bổ và cân đối tải trên toàn bộ môi trường CNTT và nâng cao tính uyển chuyển của hệ thống.